Mối liên quan giữa nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại:
- Điều 74.2.k Luật SHTT quy định một trong những trường hợp của nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt là “Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ”.
- Điều 78.3 Luật SHTT quy định một trong các điều kiện để xác định khả năng phân biệt của tên thương mại là “Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được bảo hộ”.
Trong thực tế, khi xảy ra tranh chấp giữa một bên là chủ thể quyền của nhãn hiệu được bảo hộ và chủ thể quyền của tên thương mại đã được cấp phép, các cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng thủ tục nào để giải quyết và cơ quan nào sẽ có thẩm quyền và chịu trách nhiệm giải quyết vụ việc, Bộ Khoa học và Công nghệ hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư?
Hệ thống đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý do Cục SHTT quản lý được tổ chức rất chặt chẽ, không có khả năng trùng hoặc rất ít trường hợp tương tự tới mức độ gây nhầm lẫn trên phạm vi toàn quốc. Nhưng tên thương mại lại do quá nhiều bộ quản lý như trên nên việc trùng hoặc tương tự tới mức độ gây nhầm lẫn giữa tên thương mại với nhau, tên thương mại trùng hoặc tương tự tới mức độ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trong thực tế đã xảy ra khá nhiều vụ tranh chấp quyền SHTT đối với các đối tượng khác nhau mà lỗi không phải từ phía các doanh nghiệp mà từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
Do vậy, trong thời gian tới, nếu hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT vẫn còn giữ như hiện nay, chắc chắn tình trạng này sẽ có chiều hướng gia tăng bởi ngày càng có nhiều doanh nghiệp mới được hình thành, mà theo quy định của pháp luật, mỗi doanh nghiệp phải có 1 tên thương mại riêng; hơn nữa, mỗi doanh nghiệp có thể lại có nhiều hơn 1 nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của mình.
Để khắc phục tình trạng trên, giải pháp trước mắt là phải có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại, trước hết là giữa hai bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ (quản lý nhà nước về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (quản lý nhà nước về tên thương mại).
Hiện nay, mạng thông tin tương đối hiện đại của Cục SHTT đã đăng tải đầy đủ và kịp thời về tình trạng pháp lý của các đối tượng sở hữu công nghiệp, do vậy, mọi chủ thể có thể khai thác miễn phí các thông tin này. Giải pháp đề xuất là: Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp đăng ký kinh doanh phải tra cứu các thông tin về tình trạng pháp lý của các đối tượng sở hữu công nghiệp (chủ yếu là nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý) để tránh cấp tên thương mại trùng hoặc tương tự tới mức độ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.
Về lâu dài, cần nghiên cứu mô hình chỉ một cơ quan duy nhất có quyền quản lý thống nhất các đối tượng của quyền SHTT, mặc dù việc thực hiện giải pháp này sẽ phức tạp hơn.
3. Tên thương mại và nhãn hiệu là hai đối tượng khác nhau của quyền sở hữu trí tuệ
Phân tích ví dụ sau: Ngày 24/5/1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 311/TTg về việc thành lập Tổng công ty Lương thực Miền Nam có tên giao dịch quốc tế là VIETNAM SOUTHERN FOOD CORPORATION, viết tắt là VINAFOOD II. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng ra Quyết định số 312/TTg về việc thành lập Tổng công ty Lương thực Miền Bắc có tên giao dịch quốc tế là VIETNAM NORTHERN FOOD CORPORATION, viết tắt là VINAFOOD I.
Cần lưu ý rằng, VINAFOOD I và VINAFOOD II trong các quyết định nói trên của Thủ tướng Chính phủ chỉ là tên thương mại, nhưng một thời gian dài sau đó, cả 2 tổng công ty này đều dùng VINAFOOD I và VINAFOOD II như là nhãn hiệu để in trên bao bì sản phẩm của mình.
7 năm sau (ngày 28/06/2002), Tổng công ty Lương thực Miền Nam nộp đơn xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu VINAFOOD II cho nhóm 29 và 30 và đã được Cục SHTT cấp Đăng bạ quốc gia nhãn hiệu hàng hóa vào ngày 20/06/2003.
Ngày 06/12/2006, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc
mới nộp đơn xin đăng ký bảo hộ nhãn hiệu VINAFOOD I. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng VINAFOOD I đã “tương tự tới mức độ gây nhầm lẫn” với VINAFOOD II. Do vậy, ngày 17/09/2007, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đã phải nộp đơn xin bảo hộ cho nhãn hiệu VNF1 và cho đến thời điểm này, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu VINAFOOD I và nhãn hiệu VNF1.
Có thể thấy, VINAFOOD I là tên thương mại mạnh được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, nếu trở thành nhãn hiệu thì sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đã có chiến lược riêng của mình khi tập trung xây dựng cho nhãn hiệu VNF1. Điều đặc biệt là, mặc dù VNF1 chưa được coi là “đăng ký quốc gia” về nhãn hiệu nhưng đã được coi là “đơn quốc gia” về nhãn hiệu nên Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đã vận dụng Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu VNF1 tại các quốc gia thành viên của Nghị định thư. Đây là một chiến lược đúng đắn của một doanh nghiệp lớn trong quá trình hội nhập. Thực tế, chỉ trong một thời gian ngắn, người tiêu dùng trong nước và nhiều đối tác nước ngoài đã quen và tin tưởng khi dùng sản phẩm và dịch vụ mang nhãn hiệu VNF1.
Trên thế giới đã có không ít trường hợp doanh nghiệp lấy tên thương mại của mình làm nhãn hiệu như: SONY, TOSHIBA, HONDA… Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp không lấy tên thương mại của mình làm nhãn hiệu như trường hợp điển hình là UNILEVER, tập đoàn hiện đang sở hữu khoảng trên 1.600 nhãn hiệu: LIPTON, OMO, P/S… nhưng chưa bao giờ lấy UNILEVER làm nhãn hiệu sản phẩm.
Như vậy, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sẽ còn rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp phải trường hợp như trên, không những gây tốn kém về tài chính mà còn ảnh hưởng tới quá trình vươn ra chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.
Về giải pháp, không nên ghép tên thương mại và nhãn hiệu làm một, bởi ngay Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp đã quy định chúng là các đối tượng khác nhau của quyền sở hữu công nghiệp. Có ý kiến cho rằng, nên lấy luôn tên thương mại làm nhãn hiệu cho đỡ tốn kém, song Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa chỉ dựa trên “đăng ký quốc gia” về nhãn hiệu và Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa chỉ dựa trên “đơn quốc gia” về nhãn hiệu([2]).
Bởi vậy, các doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ra nước ngoài, trước hết phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam (kể cả trường hợp sử dụng ngay tên thương mại của mình làm nhãn hiệu), sau đó có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ra nước ngoài theo 2 cách:
- Cách 1: theo quy định của Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp tại các nước không là thành viên của Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa và Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa (số lượng các nước này khá nhiều, trong đó có các nước lớn như: Mỹ, Anh, Ôxtrâylia, Canađa, Nhật Bản…), thủ tục đăng ký nhãn hiệu được thực hiện tại cơ quan sở hữu công nghiệp của nước đó([3]).
- Cách 2: theo quy định của Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa và Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa tại các nước thành viên (hiện có khoảng trên 50 nước tham gia Thỏa ước Madrid), doanh nghiệp chỉ cần nộp 01 đơn đăng ký bằng tiếng Pháp cho cơ quan duy nhất là Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) thông qua Cục SHTT Việt Nam để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nhiều quốc gia.
4. Nhãn hiệu và nhãn hàng hóa là các thuật ngữ hoàn toàn khác nhau
Trong nhiều nghiên cứu, đôi khi các tác giả đã nhầm lẫn hai thuật ngữ này, thậm chí còn gọi là “nhãn mác”, trong khi thực chất chỉ có “nhãn hiệu” là đối tượng của quyền SHTT.
Lấy ví dụ trường hợp Công ty Cổ phần ắc quy Tia Sáng, website của Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đã chuyển tải một bài nghiên cứu đăng trên Báo Hải Phòng như sau: “Đây là lần đầu tiên gặp phải trường hợp này nên ban đầu công ty cho rằng mình vi phạm pháp luật nhưng ở mức độ nhẹ do không đăng ký nhãn “NATSIONAL” tại Việt Nam. Tuy nhiên, Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006 của Chính phủ về nhãn mác hàng hóa, mục 3 điều 5 quy định : “sản phẩm làm xuất khẩu cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam yêu cầu ghi nhãn hàng hóa theo hợp đồng mua bán và chịu trách nhiệm theo yêu cầu của mình thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa được thực hiện theo hợp đồng với điều kiện những yêu cầu này không làm sai lệch bản chất hàng hóa, không vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nhập khẩu” ([4]).
Ở đây, đã có sự nhầm lẫn về hình thức: NATSIONAL là “nhãn hiệu” chứ không phải “nhãn”; hơn nữa, Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định về “nhãn hàng hóa” chứ không quy định về “nhãn mác hàng hóa”. "Nhãn hàng hoá" là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ([5]). Do đó, NATSIONAL không phải là nhãn hàng hóa mà là nhãn hiệu được bảo hộ theo pháp luật của Vương quốc Campuchia.
Qua đây có thể thấy, không chỉ các doanh nghiệp nhầm lẫn những khái niệm hết sức cơ bản của lĩnh vực SHTT mà ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước đôi khi cũng có sự hiểu nhầm.
Về lâu dài, sự nhầm lẫn này có thể sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa khi bị các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra. Pháp luật không yêu cầu mọi loại hàng hóa lưu thông trên thị trường đều phải gắn nhãn hiệu song lại quy định hàng hóa phải ghi định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản… là những yếu tố cấu thành nhãn hàng hóa.
Do vậy, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý rằng mọi loại hàng hóa khi lưu thông trên thị trường đều phải gắn nhãn hàng hóa theo quy định của Nghị định 89/2006/NĐ-CP. Để hàng hóa và dịch vụ có thể xuất khẩu ra nước ngoài thì phải gắn nhãn hiệu (pháp luật của nhiều quốc gia quy định hàng hóa phải gắn nhãn hiệu khi lưu thông trên thị trường). Nhãn hiệu này phải được bảo hộ tại Việt Nam, sau đó phải đăng ký bảo hộ tại quốc gia có thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ đó.
5. Hiệu lực lãnh thổ của tên thương mại và nhãn hiệu
Cách đây không lâu, nhiều người không khỏi ngạc nhiên về sự thay đổi nhãn hiệu dịch vụ của Ngân hàng Công Thương Việt Nam. Được thành lập từ năm 1988, Ngân hàng Công Thương Việt Nam là một trong những ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất Việt Nam và được xếp hạng là một trong 23 doanh nghiệp đặc biệt của Việt Nam. Trong 20 năm qua, Ngân hàng Công Thương Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi mặt hoạt động và góp phần không nhỏ trong việc thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đến năm 2008, mạng lưới hoạt động của Ngân hàng Công Thương Việt Nam đã được phân bố rộng khắp trên 56 tỉnh, thành phố trong cả nước, có quan hệ đại lý với trên 800 ngân hàng tại 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trong suốt 20 năm qua, Ngân hàng Công Thương Việt Nam đã lấy tên thương mại Incombank của mình làm nhãn hiệu dịch vụ mà không hề đăng ký với Cục SHTT để được cấp Đăng bạ Quốc gia nhãn hiệu hàng hóa Incombank, trái ngược với nhiều ngân hàng khác.
Trong khi đó, ngày 14/01/1993 (5 năm sau khi Ngân hàng Công Thương Việt Nam thành lập), Cục SHTT đã cấp cho Công ty Vàng bạc thuộc Ngân hàng Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) có trụ sở tại 165-169 Hàm Nghi, quận 1, TP HCM quyền sở hữu đối với nhãn hiệu Incombank ICB. Như vậy, ngay từ năm 1993, Ngân hàng Công Thương Việt Nam đã mất quyền đăng ký nhãn hiệu Incombank. Nhãn hiệu Incombank ICB đã hết hiệu lực bảo hộ từ ngày 02/11/2002, do Công ty Vàng bạc thuộc Ngân hàng Công thương TP HCM không gia hạn bảo hộ. Theo quy định của Luật SHTT, phải 5 năm sau, tức là từ ngày 03/11/2007, Ngân hàng Công Thương Việt Nam và các chủ thể khác mới có quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Incombank.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Ngân hàng Công Thương Việt Nam phải vươn ra thị trường nước ngoài, lúc đó mới biết trên thế giới đã có nhiều ngân hàng mang nhãn hiệu Incombank như ở Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc… Theo quy định, nhãn hiệu do quốc gia nào cấp văn bằng bảo hộ thì chỉ có hiệu lực trên lãnh thổ quốc gia đó, do vậy, Ngân hàng Công Thương Việt Nam không thể lấy tên Incombank để hoạt động ở nước ngoài, nên đã đăng ký và được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Vietinbank vào ngày 18/07/2007.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sẽ có nhiều trường hợp như nhãn hiệu Incombank vừa nêu. Bởi vậy, các doanh nghiệp hiện đang là chủ sở hữu của các nhãn hiệu không có thành phần phân biệt([6]), nếu muốn xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ ra nước ngoài cần phải sớm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đó tại quốc gia có thị trường tiêu thụ. Trong trường hợp bị từ chối, có thể chọn 2 cách:
- Cách 1: không dùng nhãn hiệu bị từ chối ở nước ngoài đối với thị trường trong nước, chọn một nhãn hiệu khác có thành phần phân biệt cao để đăng ký đồng thời ở trong nước và nước ngoài (như trường hợp Ngân hàng Công Thương Việt Nam đã chọn nhãn hiệu Vietinbank).
- Cách 2: vẫn dùng nhãn hiệu bị từ chối ở nước ngoài đối với thị trường trong nước, chọn một nhãn hiệu khác có thành phần phân biệt cao để đăng ký đồng thời ở trong nước và nước ngoài. Như vậy, trong trường hợp này, doanh nghiệp dùng đồng thời 2 nhãn hiệu: 1 nhãn hiệu chỉ cho trong nước và 1 nhãn hiệu cho cả trong nước và nước ngoài.
6. Mâu thuẫn trong quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh
Trước khi ban hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh là một đối tượng được bảo hộ theo quy định tại Nghị định 54/2000/NĐ-CP, nhưng điều 3 của Luật SHTT không nhắc đến đối tượng này mà lại quy định ở điều khoản khác.
Điều 130.1.c Luật SHTT quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh: “Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng”.
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh có liên quan đến tên miền được quy định tại Điểm d, khoản 1, điều 130.1.d. Luật SHTT: “Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng tên miền hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng”.
Điều 211.3. Luật SHTT quy định: “Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHTT thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh”.
Mặt khác, điều 39 Luật Cạnh tranh quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới SHTT chỉ có hành vi: “Chỉ dẫn gây nhầm lẫn và xâm phạm bí mật kinh doanh”.
Hiện tại, trong Nghị định 120/2005/NĐ-CP (ban hành ngày 30/9/2005 trước khi ban hành Luật SHTT) mới chỉ có điều 30 quy định mức xử phạt đối với hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn và điều 31 quy định mức phạt đối với hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh. Như vậy, chưa có quy định về xử lý đối với hành vi được quy định tại điều 130.1.c. và điều 130.1.d của Luật SHTT.
Như trên đã nói, do có quá nhiều bộ quản lý nên cho đến nay vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp giữa tên miền với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý.
Tháng 5/2003, Bộ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã ra Quyết định 92/2003/QĐ-BBCVT về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet, trong đó quy định việc đăng ký tên miền là “Tổ chức, cá nhân đăng ký trước được xét cấp trước”. Đây có thể được coi là một bước đột phá so với quy định trước, song vẫn còn nhiều hạn chế do mâu thuẫn với các quy định về SHTT.
Thực tế cho thấy, nhiều tranh chấp tên miền đã phát sinh, trong đó phổ biến là giữa một bên chủ sở hữu nhãn hiệu với bên chiếm giữ tên miền trùng hoặc tương tự tới mức độ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, song vẫn được Trung tâm Internet Việt Nam cấp đăng ký (các vụ tranh chấp giữa tên miền và nhãn hiệu Trung Nguyên, Vietcombank, Tiger,…).
Trong thời gian tới, những vụ tranh chấp như vậy sẽ còn diễn ra gay gắt hơn, không chỉ giữa các chủ thể trong nước mà còn giữa các chủ thể nước ngoài với chủ thể trong nước. Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài sự hạn chế của pháp luật Việt Nam còn do sự bất cập của pháp luật quốc tế, đó là Hiệp định TRIPS không hề có quy định nào điều chỉnh tên miền trên Internet. Đây là một điều khó hiểu nhất của WTO trước thực tiễn phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Như vậy, WTO khó thực hiện được mục tiêu của mình khi đề ra điều 7 của Hiệp định TRIPS: “Việc bảo hộ và thực thi các quyền SHTT phải góp phần thúc đẩy việc cải tiến, chuyển giao và phổ biến công nghệ, góp phần đem lại lợi ích chung cho người tạo ra và người sử dụng kiến thức công nghệ, đem lại lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế, và tạo sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ”.
Để khắc phục hạn chế về quy định này của WTO là điều không thể bởi Việt Nam chỉ là một trong nhiều quốc gia thành viên của WTO. Tuy nhiên, cần có một Thông tư liên tịch giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quy định cơ chế phối hợp nhằm tránh tình trạng cấp tên miền trùng với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại do người khác làm chủ sở hữu. Quy định này cũng cần phải lưu ý do tính duy nhất của tên miền, trong khi nhãn hiệu lại có thể không duy nhất bởi có thể có những nhãn hiệu trùng nhau cho các hàng hóa hoặc dịch vụ khác nhau. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi phải có sự lao động trí tuệ nghiêm túc của nhiều chuyên gia.
[1] Bài đã đăng trên Tạp chí Thông tin và dự báo Kinh tế – Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số 31 – 7/2008
([2]) Việt Nam đã là thành viên của Thỏa ước và Nghị định thư này
([3]) Việt Nam tham gia Công ước Paris từ ngày 08/3/1949
([4]) Xin tham khảo thêm http://www.haiphongdost.gov.vn
([5]) Điều 3.1, Nghị định 89/2006/NĐ-CP quy định về Nhãn hàng hóa
([6]) Ví dụ Incombank (liên tưởng đến công nghiệp, thương mại, ngân hàng), tất cả các từ gạch chân đều không có khả năng phân biệt nên doanh nghiệp của bất kỳ quốc gia nào cũng có thể lấy làm tên giao dịch. Đối với Vietcombank (liên tưởng đến Việt Nam, thương mại, ngân hàng), trong các từ gạch chân vừa nêu thì Việt Nam là thành phần phân biệt với các chủ thể nước ngoài vì nó là tên quốc gia. Do đó ít có khả năng trùng với một nhãn hiệu khác đã được bảo hộ ở nước ngoài.
SOURCE: TẠP CHÍ THÔNG TIN VÀ DỰ BÁO KINH TẾ – XÃ HỘI, BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ, SỐ 31 THÁNG 7 NĂM 2008 - TS. TRẦN VĂN HẢI – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
(Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
ĐƠN VỊ HỖ TRỢ PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP VIHABRAND
Chúng tôi tin rằng Quý Công ty quan tâm đến các lợi ích về SHTT của Quý Công ty. Còn với VIHACO VIET NAM CO.,LTD lợi ích của quý công ty cũng là lợi ích của chúng tôi, bởi chúng tôi quan niệm rằng:
“bảo vệ lợi ích chính đáng của khách hàng như bảo vệ lợi ích của chính mình”.
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VIHACO
ĐC: 20/1/6, Đ.Trục, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh
Email : vihaco.gov@gmail.com;
Website.http://dangkythuonghieu.org
Tel : (028) 62 758 518 - Fax: (028) 62 758 519
Hotline: 0933 502 255 – 0909 444 771
để được hỗ trợ và tiến hành các thủ tục pháp lý nhanh nhất và hiệu quả nhất, tư vấn MIỄN PHÍ
VIHACO VIET NAM CO.,LTD luôn sẵn sàng đón chào Quý Công ty và hân hạnh được phục vụ!
Xin chân thành cảm ơn quý khách ghé thăm!